Trao đổi với VietNamNet, bác sĩ Hoàng Tuấn Thành, Khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, thực tế gần đây khi số trẻ mắc Covid-19 tại các tỉnh miền Bắc tăng cao, số trẻ em gặp tình trạng co giật do sốt cũng tăng đáng kể.
Nhiều phụ huynh xử trí không đúng như cho tay hoặc đồ cứng vào miệng trẻ vì lo sợ trẻ bị cắn vào lưỡi. Kết quả là không chỉ khiến bản thân bị thương mà trẻ cũng có thể gặp tổn thương về răng, lợi. Theo bác sĩ Thành, đây là sai lầm phổ biến nhiều phụ huynh mắc phải khi xử trí trẻ nhiễm Covid-19 bị sốt cao và xuất hiện cơn co giật.
Sai lầm thường gặp thứ hai là cố gắng giữ chặt tay chân trẻ trong cơn co giật. Điều này rất dễ gây chấn thương cho bé như sai khớp, thậm chí gãy chân, gãy tay.
Ngoài ra, một số phụ huynh không chờ trẻ giật xong cơn mà bế con đi cấp cứu ngay khi đang co giật. Bác sĩ Thành phân tích, khi co giật, tay chân trẻ thường gồng cứng, xuất tiết nhiều đờm rãi. Nếu không xử trí ngay tại chỗ mà bế con đi ngay có thể khiến trẻ sặc đờm rãi và trẻ không được hạ sốt ngay sẽ có nguy cơ xuất hiện cơn co giật khác.
Bác sĩ Thành thông tin thêm, co giật do sốt thường xảy ra ở độ tuổi từ 6 tháng đến 5 tuổi (nhất là 12- 18 tháng). Trẻ thường co giật toàn thân, cơn co giật ngắn (dưới 5 phút, không quá 15 phút). Nhưng trẻ có tiền sử từng bị co giật do sốt, sau này rất dễ gặp lại tình trạng tương tự.
Liên quan đến vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Mạnh Cường, chuyên Khoa Nhi, Bệnh viện Quân y 103 cũng đã có những chia sẻ về cách xử trí trẻ sốt cao co giật khi mắc Covid-19. Cụ thể là:
- Cho trẻ nằm nghiêng sang 1 bên, ở vị trí an toàn nhất (tránh ổ điện, nước nóng, chọn nơi thông thoáng dễ cấp cứu,…). Đặc biệt tránh nơi đông người, thiếu oxy;
- Không cho bất kì thứ gì vào miệng trẻ vì có thể sẽ làm gãy răng, chảy máu lợi;
- Có thể dùng gạc, vải, khăn mềm để tránh cắn lưỡi (không đưa ngón tay vào);
- Nới rộng quần áo, chỗ thoáng, tuyệt đối không tập trung đông người;
- Dùng hạ sốt efferalgan đường đặt hậu môn (không cho trẻ uống trong cơn giật);
- Ghi nhận thời gian co giật và kiểu giật của trẻ để cung cấp thông tin cho bác sĩ;
- Nếu cơn co giật kéo dài đến 5 phút (cần bác sĩ hướng dẫn): Diazepam đường trực tràng: 0,5mg/kg/lần (trẻ ≤ 5 tuổi); 0,3mg/kg/lần (trẻ > 5 tuổi); Midazolam xịt mũi;
- Hạ sốt cho trẻ khi trẻ bắt đầu sốt từ 38 độ C;
- Cho trẻ dùng thuốc dự phòng co giật: Diazepam theo chỉ định của bác sĩ (nếu có).
Cần cho trẻ đi viện khi:
- Cơn co giật khoảng 4-5 phút ít khi quá 10 phút. Nếu dài hơn phải cho trẻ đi viện;
- Sau cơn co giật trẻ thường mệt, ngủ ít hơn 30 phút;
- Cơn co giật nhiều ( > 2 cơn trong 24 giờ);
- Cơn co giật cục bộ (1 tay hoặc chân hoặc nửa thân mình).
Bên cạnh đó, phụ huynh cần xử trí hạ sốt đúng cách (uống thuốc hạ sốt, chườm ấm ngay khi trẻ có cơn sốt từ 38,5 độ C trở lên) sẽ giúp làm giảm nguy cơ xuất hiện cơn co giật.
Tại hướng dẫn mới về quản lý tại nhà đối với người mắc Covid-19 ban hành hôm 4/3, Bộ Y tế cho biết khi trẻ mắc Covid-19 có tình trạng sốt, cha mẹ có thể cho bé dùng Paracetamol liều 10-15 mg/kg/lần (uống hoặc đặt hậu môn), cách tối thiểu 4 - 6 giờ nếu cần nhắc lại. Lưu ý, tổng liều thuốc không vượt quá 60mg/kg/ngày.
Hoặc sử dụng liều theo tuổi nếu không biết cân nặng của trẻ, cụ thể như sau: bé dưới 1 tuổi dùng Paracetamol 80mg, liều uống mỗi lần là 1 gói x 4 lần/ngày; bé từ 1 đến dưới 2 tuổi dùng Paracetamol 150mg, liều 1 gói x 4 lần/ngày; bé từ 2 đến dưới 5 tuổi dùng Paracetamol 250mg, liều uống 1 gói x 4 lần/ngày; trẻ từ 5 đến 12 tuổi dùng Paracetamol 325mg, liều uống 1 viên x 4 lần/ngày; trẻ trên 12 tuổi dùng Paracetamol 500mg, liều uống 1 viên x 4 lần/ngày. Tuy nhiên, Bộ Y tế nhấn mạnh, hướng dẫn liều lượng thuốc Paracetamol cho trẻ em theo tuổi chỉ dùng khi không biết cân nặng của trẻ, tối ưu nhất vẫn là tính liều theo cân nặng.
Minh Hoa (t/h theo VietNamNet, Lao Động)