Những con số báo động
TS.BS Nguyễn Trọng Hưng – Phó trưởng khoa Dinh dưỡng lâm sàng và Tiết chế, Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết đái tháo đường là một đại dịch nguy hiểm đang diễn ra âm thầm trong cuộc sống hiện đại.
TS Hưng chỉ ra những con số đáng báo động về đại dịch này. Theo Liên đoàn Đái tháo đường Quốc tế, năm 2019 toàn thế giới có 463 triệu người mắc đái tháo đường và cũng trong năm 2019, người ta dự đoán đến năm 2030 số người bị đái tháo đường sẽ là 578 triệu người và tới năm 2045 là khoảng 700 triệu người.
Tuy nhiên, tính đến năm 2021, chỉ 2 năm sau khi đưa ra dự đoán, số người trưởng thành mắc bệnh đái tháo đường đã lên tới 537 triệu người. Ước tính cũng thay đổi, đến năm 2030, con số này sẽ là 643 triệu người và đến năm 2045 sẽ là 784 triệu người.
Một điều đáng lo ngại là đái tháo đường tập trung chủ yếu ở các quốc gia có thu nhập thấp, trong đó có Việt Nam.
Theo thống kê, cứ khoảng 5 giây lại có 1 ca tử vong do mắc bệnh đái tháo đường. Không những thế, đây là căn bệnh rất tốn kém chi phí để điều trị.
Cứ 5 giây lại có một người tử vong vì đái tháo đường.
Cho tới hiện tại, chỉ tính riêng khu vực Đông Nam Á đã có hơn 90 triệu người mắc bệnh đái tháo đường và 50% số đó không biết mình bị bệnh. Theo thống kê, cứ 11 người trưởng thành thì có 1 người mắc đái tháo đường. Trong năm 2021, khu vực Đông Nam Á có 747 nghìn người tử vong do căn bệnh này và có khoảng 10 tỷ USD đã được chi ra.
Tại Việt Nam, năm 2010 có khoảng 1,6 triệu người mắc đái tháo đường. Tới năm 2019, con số này đã lên tới 3,8 triệu người, năm 2021 là 4 triệu người, chiếm 6,1% dân số. Dự báo đến năm 2045, con số này sẽ là 6 triệu người. Riêng trong năm 2021 có khoảng 2 triệu người chưa được chẩn đoán mắc bệnh đái tháo đường.
TS Hưng cho biết tuổi thọ của người bệnh đái tháo đường sẽ giảm đi 6 năm so với người không mắc bệnh và giảm 15 năm nếu có thêm các biến chứng như nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não. Trong đại dịch COVID-19, bệnh nhân đái tháo đường nằm trong danh sách những đối tượng nguy cơ cao trở bệnh nặng và tử vong nếu bị nhiễm COVID-19.
Hãy hành động ngay
TS.BS Nguyễn Trọng Hưng cho rằng nếu chúng ta không thay đổi thì đái tháo đường sẽ gõ cửa từng nhà và cầm tay từng người. Trong khi đó, cho tới hiện tại vẫn chưa có cách điều trị triệt để căn bệnh này.
Nguyên nhân số ca đái tháo đường tăng nhanh là do lối sống không khoa học, đặc biệt là sự gia tăng của tình trạng thừa cân, béo phì. Đây chính là cửa ngõ của các bệnh không lây nhiễm. TS Hưng cho biết có những cháu bé 10 tuổi, 11 tuổi đã phải vào bệnh viện điều trị do mắc đái tháo đường tuýp 2. Ví dụ như trường hợp của 1 bệnh nhân nam 11 tuổi ở Phú Thọ, em bị béo phì và được chẩn đoán mắc đái tháo đường tuýp 2 khi được bố mẹ đưa đi khám. Em có thói quen ăn nhiều đồ ăn nhanh, nước ngọt có gas và sau đó tăng cân không kiểm soát.
Bệnh đái tháo đường đang có xu hướng gia tăng ở người trẻ mà thói quen ăn uống và chế độ ít vận động là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này.
Theo nghiên cứu mới nhất của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tỷ lệ tiêu thụ đạm và nước ngọt, rượu bia đang gia tăng trong khi lượng tiêu thụ rau xanh và trái cây còn rất thấp.
TS Hưng cho biết khi điều trị cho bệnh nhân đái tháo đường, cần tư vấn cho họ cách ăn uống hợp lý, khoa học. Đồng thời, khuyến khích người bệnh thường xuyên luyện tập thể dục thể thao. Đây là 2 cách để cải thiện đường huyết rất hiệu quả.
Bên cạnh đó, người bệnh cần lưu ý:
- Không ăn uống quá kiêng khem
- Đảm bảo chế độ ăn đủ dinh dưỡng
- Duy trì cân nặng ở mức độ hợp lý. Đây là yếu tố quan trọng để giảm đường huyết, mỡ máu để từ đó tránh được những biến chứng nguy hiểm của đái tháo đường.
Những đối tượng trên 40 tuổi; có tiền sử gia đình mắc bệnh đái tháo đường hoặc từng mắc đái tháo đường thai kỳ; tăng huyết áp; ít vận động; thừa cân, béo phì nên đi khám tầm soát đái tháo đường.
https://soha.vn/can-benh-cu-5-giay-co-1-nguoi-tu-vong-so-nguoi-mac-tang-nhanh-va-ngay-cang-tre-hoa-20211219195846197.htm