Theo các bài viết trên báo iNews và Guardian của Anh, có nhiều thông tin về những người nhiễm Covid-19 nhiều lần. Vậy nguy cơ tái nhiễm là bao nhiêu và khi nào nó có thể xảy ra?
Dưới đây là những dữ liệu từ Vương quốc Anh có thể giúp bạn giải đáp phần nào câu hỏi này.
Tái nhiễm Covid-19 là gì? Ai có nguy cơ cao?
Cụm từ tái nhiễm Covid-19 thường đề cập đến việc phát hiện nhiễm Covid-19 lần thứ hai hoặc hơn, bất kể là biến thể gì.
Nguy cơ tái nhiễm có khả năng phụ thuộc vào một loạt các yếu tố. Ví dụ, dữ liệu cho thấy nguy cơ tái nhiễm cao hơn ở những người chưa tiêm vaccine và có thể cả những người bị nhiễm bệnh lần đầu nhẹ (có phản ứng miễn dịch thấp hơn). Ngoài ra, nguy cơ tái nhiễm còn phụ thuộc vào loại biến thể và thời gian tiêm vaccine của một người.
Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh (UKHSA) định nghĩa tái nhiễm là một ca bệnh dương tính sau ít nhất 90 ngày nhiễm Covid-19 đã được xác nhận trước đó.
Có thể nhiễm Covid-19 nhiều lần không?
Theo iNews, bạn có thể nhiễm Covid-19 nhiều lần, đặc biệt là khi hiện nay đã có rất nhiều biến thể khác nhau, chiếm ưu thế vào những thời điểm khác nhau.
Phân tích của Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh được công bố vào tháng 12 năm 2021 cho thấy cứ 10 người nhiễm Omicron ở Anh thì có khoảng 1 người từng nhiễm Covid-19 trước đó.
Theo số liệu mới nhất từ UKHSA, từ khi bắt đầu đại dịch đến ngày 9 tháng 1 năm 2022, ở Anh đã có 425.890 trường hợp có khả năng đã tái nhiễm Covid-19.
Rất ít trường hợp tái nhiễm có thể được "xác nhận" vì điều này đòi hỏi phải giải trình tự gen. Hơn nữa, trong các làn sóng dịch đầu tiên, nhiều người ở Anh có thể đã mắc bệnh nhưng chưa từng xét nghiệm. Do đó, có nhiều ca nhiễm lần đầu tiên có thể chưa được tính.
Danny Altmann, giáo sư miễn dịch học tại Đại học Imperial London, cho biết: "Với sự kết hợp của hai năm đại dịch, kháng thể suy yếu, khả năng né miễn dịch của Delta và sau đó là Omicron, sự tái nhiễm đã xảy ra khá phổ biến" ở Anh.
Các nghiên cứu của Vương quốc Anh về Omicron cho thấy việc từng nhiễm Covid-19 không cung cấp nhiều khả năng bảo vệ trước Omicron.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Hoàng gia London cũng phát hiện ra rằng biến thể Omicron hầu như tránh được khả năng miễn dịch có được do từng nhiễm Covid-19 hoặc hai liều vaccine.
Cụm từ tái nhiễm Covid-19 thường đề cập đến việc phát hiện nhiễm Covid-19 lần thứ hai hoặc hơn, bất kể là biến thể gì. (Ảnh minh họa test nhanh Covid-19)
Còn Deltacron thì sao?
Deltacron là biến thể mới nhất, và vì vậy các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu về nó.
Theo phân tích mã di truyền của Deltacron, ‘phần thân’ của nó có nguồn gốc từ biến thể Delta trong khi phần gai của nó là của Omicron.
Virus tái tổ hợp xuất hiện khi một bệnh nhân bị nhiễm hai biến thể cùng lúc và sự tái tổ hợp xảy ra khi các tế bào của nó tái tạo cùng nhau.
Maria van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật Covid của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đã viết trên Twitter rằng các biến thể tái tổ hợp có thể xuất hiện, đặc biệt là với sự lưu hành mạnh mẽ của Omicron và Delta.
Nhiều người lo ngại về mức độ nghiêm trọng của biến thể ‘lai’ Deltacron vì Delta thường gây bệnh nặng hơn các biến thể khác và Omicron có khả năng lây nhiễm cao.
Nhưng các nhà khoa học nhấn mạnh rằng hiện nay mọi người đã có khả năng miễn dịch đáng kể chống lại cả hai biến thể, vì vậy không có lý do gì để nghĩ rằng biến thể mới này sẽ gây nguy hiểm.
(Ảnh minh họa test nhanh Covid-19)
Khi nào một người có thể tái nhiễm Covid-19?
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng đối với những người khỏi Covid-19, khả năng miễn dịch có thể kéo dài trong khoảng ba tháng đến vài năm. Tuy nhiên, một số người có thể bị tái nhiễm sớm hơn khoảng thời gian này.
Tiến sĩ William Schaffner, giáo sư y tế dự phòng và các bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế Đại học Vanderbilt, Mỹ, cho biết: "Có một số người quan niệm rằng sau khi bạn bị nhiễm bệnh tự nhiên, bạn sẽ được bảo vệ vĩnh viễn khỏi Covid-19 như thể đây là bệnh sởi. Nhưng hai loại virus gây ra hai bệnh nhiễm trùng này rất rất khác nhau. Khả năng bảo vệ trước coronavirus sẽ mất đi một cách tự nhiên sau một khoảng thời gian".
Một nghiên cứu vào tháng 10 năm 2021 của Trường Y tế Công cộng Yale cho thấy những người chưa được tiêm vaccine mắc Covid-19 sẽ có khả năng miễn dịch chống lại nguy cơ tái nhiễm trong khoảng từ 3 đến 61 tháng.
Tuy nhiên, dữ liệu này được ghi lại và công bố trước khi xuất hiện biến thể Omicron.
Tái nhiễm Covid-19 có nhẹ hơn không?
Dữ liệu của một số nghiên cứu cho thấy tải lượng virus trong các trường hợp tái nhiễm thấp hơn so với lần nhiễm đầu. Tuy nhiên, mức độ nghiêm trọng của tái nhiễm phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm cả biến thể liên quan và tình trạng tiêm chủng của một người.
Dữ liệu từ Văn phòng Thống kê Quốc gia (ONS) Anh cho thấy khi biến thể Alpha chiếm ưu thế ở nước này, các trường hợp tái nhiễm thường ít xuất hiện triệu chứng. Nhưng điều này đã đảo ngược khi Delta trở thành biến thể thống trị.
Khi Omicron trở thành biến thể thống trị, dữ liệu cho thấy khả năng xuất hiện triệu chứng trong lần nhiễm thứ hai bằng khả năng của lần đầu tiên.
(Nguồn: Inews, Guardian)
https://soha.vn/co-the-nhiem-covid-19-ba-lan-khong-tat-ca-nhung-dieu-f0-can-biet-ve-tai-nhiem-20220319093717735.htm