Bác sĩ CK2 Huỳnh Tấn Vũ – trưởng đơn vị điều trị ban ngày, Bệnh viện Đại học Y dược cơ sở 3 TP.HCM cho biết, nhiều người đang hồi phục sau Covid-19 nhận thấy rằng giấc ngủ của họ đã thay đổi so với giấc ngủ trước khi họ nhiễm bệnh. Một số người cảm thấy khó đi vào giấc ngủ hoặc không ngủ được, và những người khác lại thấy họ thức dậy sớm hơn bình thường và không thể ngủ lại được hoặc thức dậy với cảm giác không sảng khoái, giống như chưa được ngủ.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới mất ngủ ở bệnh nhân Covid-19 như người bệnh cảm thấy cô đơn do phải cách ly; các phản ứng từ thuốc điều trị; người bệnh phải nằm viện, phải chứng kiến các bệnh nhân khác chiến đấu sinh tử với bệnh tật; các triệu chứng của Covid-19 như ho, khó thở cũng khiến người bệnh dễ rơi vào trạng thái mất ngủ.
Theo y học cổ truyền, mất ngủ và các biểu hiện của sự rối loạn giấc ngủ thuộc chứng thất miên. Các rối loạn này có thể biểu hiện bằng các hình thức khó đi vào giấc, bứt rứt trằn trọc, hoặc có ngủ nhưng giấc ngủ rất nông, dễ giật mình, hoặc thức giấc trong đêm rồi không ngủ lại được, hoặc thức trắng đêm. Chứng mất ngủ hay kèm theo các chứng khác như mệt mỏi, váng vất, nhức đầu căng thẳng, dễ mất bình tĩnh, hay quên, hồi hộp,…
Covid-19 khiến nhiều người rơi vào mất ngủ. Ảnh minh họa.
Bác sĩ Vũ cho biết, trong y học cổ truyền, mất ngủ có thể được điều trị bằng cách dùng thuốc hoặc không dùng thuốc. Nếu người bệnh cảm thấy mất ngủ kéo dài có thể thực hiện các bài tập giúp dễ đi vào giấc ngủ như:
1. Xoa bóp bấm huyệt
Bạn nên thực hiện ở vùng đầu là chủ yếu, có thể kết hợp thêm xoa bóp vùng cổ gáy, hai vai, lưng hoặc tay chân tùy trường hợp.
Các thủ thuật thường sử dụng tại vùng đầu là xoa, xát, miết, day, bóp, lăn, ấn, bấm.
Nhóm các huyệt thường sử dụng: nhóm huyệt an thần gồm Bách hội, Thượng tinh, Thái dương, Phong trì, An miên.
Xoa bóp 20 phút /lần/ngày. Một liệu trình từ 15 -30 ngày, tùy theo mức độ và diễn biến của bệnh có thể điều trị nhiều liệu trình.
Tác dụng của Xoa bóp – Bấm huyệt: điều hòa khí huyết, làm thư giãn gân cơ, an thần. Y học hiện đại đã chứng minh được tác động của xoa bóp làm giảm mệt mỏi và cải thiện giấc ngủ ở trẻ sơ sinh, trẻ em, người lớn và người già, cũng như những người bị rối loạn tâm thần, đau cơ xơ hóa, ung thư, đau thắt lưng, đau khớp,…
Theo bác sĩ Vũ, khi xoa bóp bấm huyệt giúp cải thiện giấc ngủ theo 2 cách chính: làm giảm nồng độ cortisol là một loại hormone gây căng thẳng và tăng serotonin và dopamine và chất dẫn truyền thần kinh giúp ổn định tâm trạng.
Ngoài ra, xoa bóp bấm huyệt giúp ngủ ngon hơn là do giúp kiểm soát cơn đau và căng thẳng. Đau làm cho mất ngủ trầm trọng thêm, thiếu ngủ lại làm cơn đau tăng lên, việc xoa bóp giảm đau sẽ giúp phá vỡ vòng lặp này. Xoa bóp giúp kiểm soát tốt nhiều loại đau khác nhau như đau đầu, đau cổ gáy, đau lưng, đau do viêm khớp, đau sau phẫu thuật,…
2. Tập luyện dưỡng sinh cải thiện giấc ngủ
Cách thực hiện này rất đơn giản, người bệnh thường được hướng dẫn động tác thư giãn để luyện ức chế thần kinh. Thư giãn là bài tập mở màn trong hệ thống các bài tập Yoga. Mất ngủ có thể do quá trình hưng phấn và ức chế của hệ thần kinh. Động tác thư giãn giúp luyện quá trình ức chế, nghỉ ngơi chủ động toàn bộ hoạt động của hệ thần kinh và cơ bắp.
Cách thực hiện: người bệnh chọn nơi yên tĩnh, nằm ngửa và thẳng, che mắt, mặc quần áo mỏng, thoải mái; sau đó thả lỏng, có thể nhủ thầm cho các cơ trong cơ thể mềm, giãn ra từ từ; tập trung ý chí, theo dõi hơi thở ra vào qua mũi tới phổi, có thể đi vào giấc ngủ ngắn 15 - 30 phút. Lúc này, trên vỏ não chỉ còn một điểm hưng phấn theo dõi hơi thở, các vùng khác của hệ thần kinh trung ương được nghỉ ngơi, ức chế.