Ba cơ quan nghiên cứu khoa học tổ chức Hội thảo Quốc tế về phát triển Nông nghiệp đô thị thông minh tại Đông Nam Bộ

07/12/2022 10:17

Tiếp nối sự thành công Hội thảo khoa học quốc tế: Viễn cảnh Đông Nam Bộ lần thứ I và lần thứ II, ngày 16/12/2022 tới đây, Trường Đại học Thủ Dầu Một (TDMU) phối hợp với Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS) và Đại học Sains Malaysia (USM) tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế: Viễn cảnh Đông Nam Bộ lần thứ III với chủ đề "Đô thị và nông nghiệp đô thị thông minh vùng Đông Nam Bộ".

 

Sự phát triển đô thị hóa nhanh chóng đã khiến cho việc sản xuất lương thực, thực phẩm trở nên khó khăn vì diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp, mật độ dân cư ngày một đông, cùng với những thách thức do thiên tai dịch bệnh, biến đối khí hậu...Do vậy, ở nhiều thành phố trên thế giới đã và đang chuyển sang sử dụng công nghệ thông minh để phát triển nông nghiệp thông minh nhằm cung cấp lương thực, thực phẩm tươi sống, tạo không gian xanh, không khí trong lành cho cư dân đô thị. 

Nhiều thành phố trên thế giới đang phát triển mô hình nông nghiệp thông minh bao gồm nông nghiệp theo chiều dọc, nhà kính thông minh và nông nghiệp mở dựa trên kết nối vạn vật (IoT) kết hợp với đội ngũ nông dân trẻ tuổi tri thức cao có khả năng tiếp cận với công nghệ GPS, quản lý nhiệt độ, hệ thống tưới nước tự động, nông nghiệp chính xác, quản lý dữ liệu để có thể làm biến đổi hệ thống sản xuất lương thực phẩm truyền thống. Nông nghiệp đô thị thông minh không chỉ xu hướng mới nhằm đảm bảo an toàn lương thực thực phẩm, mà còn là giải pháp hữu hiệu để quyết những vấn đề về ô nhiễm môi trường, hiệu ứng nhà kính và tạo ra hệ sinh thái tiện ích, thẩm mỹ và chăm sóc sức khỏe con người không thể thiếu cho không gian đô thị thông minh.

nn12-1670318499.jpgNhiều thành phố trên thế giới bắt đầu thực hiện chính sách khuyến khích sự tăng trưởng của nông nghiệp đô thị như một phần quan trọng của hệ thống lương thực phẩm địa phương

Đến nay, nhiều quốc gia đã bắt đầu thực hiện những chính sách khuyến khích sự tăng trưởng của nông nghiệp đô thị như một phần quan trọng của hệ thống lương thực phẩm an toàn, đặc biệt là sau khủng hoảng do đại dịch gây ra. New York (Mỹ) đã có chính sách đầu tư 2 triệu USD để toàn bộ nhà hoặc khu phố thử nghiệm các công nghệ canh tác đô thị. Nhiều thành phố khác đã thông qua các quy tắc phân vùng và bắt đầu các chương trình để thúc đẩy mở rộng nông nghiệp đô thị. Tại Paris, sáng kiến thành phố có tên "Parisculteurs" hướng đến mục đích bao phủ mái nhà và tường với 100 héc ta không gian xanh đến năm 2020 và dành một phần ba không gian đó cho sản xuất thực phẩm. Các nhà khoa học Singapore khuyến khích phát triển trang trại đô thị như một phần của yêu cầu xây dựng xanh.

Bản chất phi tập trung và đa dạng của các mô hình canh tác đô thị là một yếu tố đóng góp chính cho ngành công nghiệp hiện đang đổi mới nhanh chóng và có khả năng trở thành một nguồn sản xuất thực phẩm bền vững. Những tiến bộ trong quy hoạch nông nghiệp đô thị đang diễn ra một cách từ từ. Các thành phố, cộng đồng, các ngành đang bắt tay để phát huy lợi thế của nông nghiệp - một phần không thể thiếu của thành phố thông minh.

Tuy nhiên, vấn đề phát triển nông nghiệp đô thị thông minh ở nước ta còn khá mới mẻ, quy mô nhỏ và dường như chưa có mô hình nông nghiệp thông minh hoàn chỉnh. Nhìn chung, nông nghiệp thông minh ở nước ta là một lĩnh vực mới phát triển. Có nhiều cách hiểu khác nhau về mô hình này.

Theo khái niệm của Mạng lưới chuyên đề canh tác thông minh châu Âu, canh tác thông minh là ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại (ICT) vào nông nghiệp (Cách mạng xanh lần thứ ba). Cuộc cách mạng này phối hợp ICT như các thiết bị chính xác, kết nối vạn vật (IoT), cảm biến, định vị toàn cầu, quản lý dữ liệu lớn (Big data), thiết bị bay không người lái (Drone), người máy (robot)..., tạo điều kiện cho người dân tăng thêm giá trị dưới dạng đưa ra được những quyết định khai thác, quản lý hiệu quả hơn.

Theo các chuyên gia, nông nghiệp đô thị thông minh là nông nghiệp thông minh áp dụng trong nông nghiệp đô thị. Trong các đô thị hiện đại hướng đến đô thị bền vững thì vai trò của nông nghiệp đô thị là không thể thiếu. Nông nghiệp đô thị có đặc điểm là phải tổ chức sản xuất trong không gian chật hẹp, ít đất canh tác. Đóng góp của nông nghiệp đô thị đối với đời sống dân cư đô thị phụ thuộc vào những thuận lợi và khó khăn kể trên và vào nhận thức về việc kiểm soát, giám sát các rủi ro. So với nông nghiệp truyền thống, nông nghiệp đô thị có những lợi thế cạnh tranh nhất định, nhất là khi nông nghiệp đô thị có thể cung cấp cho các thị trường đô thị những sản phẩm có chi phí rẻ hơn, bao gồm cả chi phí môi trường. Tuy nhiên, cần chú ý là nông nghiệp đô thị không nên cạnh tranh với nông nghiệp ở vùng nông thôn, mà nên tập trung vào những hoạt động có lợi thế, nhất là cung cấp sản phẩm tươi, nhanh hư hỏng, không cần qua công nghệ chế biến và bảo quản.

Nông nghiệp đô thị là một nền nông nghiệp đa chức năng, có các vai trò: Góp phần tạo cảnh quan đô thị và cải thiện sức khỏe cộng đồng; góp phần cung ứng nguồn lương thực, thực phẩm tươi sống tại chỗ cho các đô thị; có khả năng giải quyết được các vấn đề gây “khó chịu” cho cư dân thành thị nói chung và đặc biệt là giải pháp khả thi cho đô thị thông minh, đóng góp cho các nỗ lực cơ sở hạ tầng xanh, tạo nguồn lương thực, thực phẩm an toàn, sản xuất hoa cây cảnh và tạo việc làm đa dạng...

Cùng với sự phát triển, khu vực Đông Nam Bộ đặc biệt là thành phố Hồ Chí Minh đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức để có thể vừa trở thành đô thị hiện đại, vừa duy trì phát triển bền vững về kinh tế, xã hội, môi trường. Hiện nay, thành phố Hồ Chí Minh đang chịu áp lực lớn với lượng dân cư đông đúc, tình trạng mất cân bằng dân số, hạ tầng các khu công nghiệp, khu sản xuất bị quá tải, giao thông thường xuyên ùn tắc và các vấn đề ô nhiễm môi trường…Vì vậy, việc phát triển các thành phố, các khi đô thị vệ tinh để kéo giãn dân về vùng ven giúp giảm tải cho khu vực trung tâm là giải pháp cấp bách và mang tính chiến lược. Mặt khác quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ ở vùng ven đô của vùng động lực thành phố Hồ Chí Minh – Bình Dương – Đồng Nai đang đặt ra vấn đề cấp bách là phải xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp phù hợp với điều kiện đất đai, thị trường…

Việc ứng dụng, phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp ven đô không chỉ đáp ứng nhu cầu của người dân về lương thực, thực phẩm tươi sống và an toàn, mà còn đáp ứng yêu cầu cảnh quan đô thị, tăng thêm không gian xanh góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, việc xây dựng nông nghiệp đô thị thông mình ở thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, ở Đông Nam Bộ nói chung là một xu hương mới nhằm đảm bảo an ninh, an toàn lương thực thực phẩm cho đô thị đầu tàu, năng động nhất cả nước. 

0a02b412a0f679a820e7-1670300729.jpg

Từ thực trạng đó, năm 2015, Trường Đại học Thủ Dầu Một đã xây dựng Đề án nghiên cứu khoa học về miền Đông Nam Bộ nhằm phục vụ phát triển nhà trường đồng thời góp phần phát triển kinh tế, xã hội các tỉnh/thành vùng Đông Nam Bộ. Đề án nhận được sự quan tâm sâu sắc của chính quyền địa phương, nhiều cơ quan khoa học và giáo dục cả trong và ngoài nước. Sau 07 năm thực hiện Đề án (giai đoạn I: 2015-2022). Đề án đã thu hút sự quan tâm của chính quyền địa phương trong Vùng Đông Nam Bộ; các nhà quản trị địa phương; cơ quan chuyên môn và giới học thuật. Là một hợp phần trọng tâm của Đề án - Hội thảo Quốc tế Viễn cảnh Đông Nam Bộ là chuỗi diễn đàn học thuật được tổ chức 02 năm một lần vào những năm chẵn. Năm 2022, là lần thứ 3 của sự kiện học thuật này.

Trước bối cảnh tăng trưởng đô thị ngày một gia tăng, làm thế nào để phát triển bền vững đô thị, đảm bảo an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp đô thị thông minh đang trở thành một trong những mối quan tâm hàng đầu và xu thế phát phát triển của chính quyền đô thị nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ. Việc nghiên cứu và phát triển nông nghiệp đô thị thông minh gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 theo hướng thông minh, bền vững nhằm tạo ra những giá trị kinh tế cao về sản phẩm nông nghiệp phục vụ dân sinh, đảm bảo an ninh lương thực, hạn chế ô nhiễm môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, hiệu ứng nhà kính, đảo nhiệt đô thị; áp lực “đất chật người đông” tại các vùng đô thị và đại đô thị đặc biệt đối với các nước đang phát triển như Việt Nam; Malaysia đang …là vấn đề cấp thiết về lý luận và chỉ đạo thực tiễn.

Tại Hội thảo lần 1 và lần 2 đã giải quyết những vấn đề lý luận và thực tiễn trong các chuyên đề: (1) Liên kết phát triển vùng đô thị động lực: Lý luận và kinh nghiệm quốc tế; (2) Quy hoạch phát triển vùng đô thị động lực Thành phố Hồ Chí Minh – Bình Dương – Đồng Nai; (3) Liên kết phát triển vùng đô thị động lực Thành phố Hồ Chí Minh – Bình Dương – Đồng Nai; Cùng với 09 báo cáo tham luận được được trình bày tại các tiểu, các nhà khoa học đã tập trung bàn thảo đa chiều về những thách thức của vùng liên kết đô thị; Liên kết vùng đô thị động lực ở Đông Nam Bộ hiện nay: một số vấn đề từ góc nhìn quản trị và chính sách công; Phát triển bền vững vùng đô thị động lực - góc nhìn từ hiện tượng phân cách xã hội ở các đô thị trên thế giới; Tăng cường liên kết vùng trong chuyển đổi sáng tạo và phát triển kinh tế dịch vụ-nghiên cứu thực tiễn trong đề án quy hoạch hạ tầng xanh và phát triển kinh tế dịch vụ dọc theo sông Sài Gòn; Cảnh quan sinh thái bản địa trong tiến trình đô thị hóa: những thách thức đương đại cho tính bền vững của vùng đô thị động lực thành phố Hồ Chí Minh-Bình Dương-Đồng Nai; Cộng đồng vùng đô thị mô hình hợp tác liên kết trong quy hoạch phát triển các vùng đô thị lớn; Phát triển và liên kết vùng cơ sở lý luận, kinh nghiệm quốc tế cho vùng Đông Nam Bộ hiện nay,…

cs1-1670320963.jpgHội thảo khoa học Quốc tế: Viễn cảnh Đông Nam Bộ lần thứ III năm 2022 - "ĐÔ THỊ VÀ NÔNG NGHIỆP ĐÔ THỊ THÔNG MINH VÙNG ĐÔNG NAM BỘ"

Đó là những tiền đề để Hội thảo quan trọng lần này, các cơ quan nghiên cứu chuyên ngành, các nhà khoa học đã đóng góp trên 60 báo cáo tham luận và đã được Ban tổ chức chọn lọc, biên tập, xuất bản kỷ yếu phục vụ hội thảo. Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học sẽ tập trung thảo luận các vấn đề như: (1) Những vấn đề chung về đô thị và nông nghiệp đô thị; (2) Khoa học và công nghệ trong phát triển nông nghiệp đô thị thông minh; (3) Thực tiễn và những vấn đề đặt ra về phát triển nông nghiệp đô thị thông minh vùng Đông Nam Bộ và những nội dung chuyên đề liên quan. Đặc biệt, tại Hội thảo các chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài nước sẽ phân tích đánh giá tác động của các yếu tố kinh tế - xã hội, biến đổi khí hậu, khoa học công nghệ, đến quá trình tổ chức lại không gian kiến trúc đô thị; Kinh nghiệm về phát triển nông nghiệp bền vững, nông nghiệp đô thị, nông nghiệp thông minh của một số nước trên thế giới, từ đó có những gợi mở chính sách và đề xuất những giải pháp cho vùng Đông Nam Bộ của Việt Nam...

Có thể nói, Hội thảo khoa học Quốc tế: Viễn cảnh Đông Nam Bộ lần thứ III năm 2022 với chủ đề "Đô thị và Nông nghiệp đô thị thông minh vùng Đông Nam Bộ" được tổ chức theo hình thức Trực tiếp và Trực tuyến lần này, với sự tham gia tổ chức của các đơn vị có bề dày kinh nghiệm trong nghiên cứu và đào tạo về đô thị, nông nghiệp đô thị thông minh như Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS), Đại học Sains Malaysia (USM) và Trường Đại học Thủ Dầu Một (TDMU), cùng đông đảo các nhà khoa học, các chuyên gia nghiên cứu hàng đầu trong và ngoài nước đã hứa hẹn những thành công rực rỡ./.

Chủ trì hội thảo: Trường Đại học Thủ Dầu Một (TDMU)

Đơn vị phối hợp: Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS), Đại học Sains Malaysia (USM)Chủ đề hội thảo: Đô thị và Nông nghiệp đô thị thông minh vùng Đông Nam Bộ. 

Thời gian diễn ra hội thảo: Ngày 16/12/2022

Địa điểm: Phòng khách A1, Trường Đại học Thủ Dầu Một, Số 06 Trần Văn Ơn, Phường Phú Hòa, Thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, Việt Nam

Hình thức: Trực tiếp kết hợp trực tuyến

 

Vương Xuân Nguyên
Bạn đang đọc bài viết "Ba cơ quan nghiên cứu khoa học tổ chức Hội thảo Quốc tế về phát triển Nông nghiệp đô thị thông minh tại Đông Nam Bộ" tại chuyên mục TIN TỨC. Mọi thông tin xin liên hệ số hotline (0918.187.270) hoặc gửi email về địa chỉ (kinhtenet@gmail.com).