Hiện tượng thường gặp vào ban đêm cảnh báo nhiều bệnh nguy hiểm, từ ung thư tới đột quỵ

20/03/2022 22:55

Tình trạng khá nhiều người gặp vào ban đêm này có thể là dấu hiệu của các bệnh lý nguy hiểm như tiểu đường, viêm nội tâm mạc, lao, ung thư và đột quỵ.

Đổ mồ hôi là một phản ứng rất bình thường để điều chỉnh nhiệt độ của cơ thể. Nếu bạn đang ở trong phòng tắm hơi hoặc đang tập thể dục chắc chắn bạn sẽ ra nhiều mồ hôi. Nhưng nếu bạn bị thức giấc do đổ mồ hôi vào nửa đêm thì đó hoàn toàn là một vấn đề khác. Nhiều người bị ra mồ hôi đêm nhiều đến mức ướt đẫm ga trải giường và quần áo. Đổ mồ hôi đêm đáng ngại khi nó xảy ra trong lúc ngủ, khi mà bạn không làm bất cứ điều gì gắng sức, cũng không phải do đắp chăn quá dày hay phòng ngủ quá nóng. 

Mồ hôi đêm không chỉ làm giảm chất lượng của giấc ngủ mà còn khiến bạn cảm thấy vô cùng khó chịu, đồng thời tiềm ẩn nhiều vấn đề sức khoẻ.

Một số nguyên nhân có thể gây đổ mồ hôi ban đêm là:

1. Mãn kinh

Mãn kinh là hiện tượng dừng kinh nguyệt vĩnh viễn ở phụ nữ. Trong thời gian này, cơ thể có những thay đổi đáng kể trong việc sản xuất hormone estrogen và progesterone, từ đó dẫn tới những cơn bốc hoả.

Cơn bốc hỏa được coi là dấu hiệu của thời kỳ mãn kinh, ảnh hưởng đến 85% phụ nữ đang ở thời kỳ này. Trong hầu hết các trường hợp, các cơn bốc hỏa thực sự bắt đầu trong thời gian chuyển tiếp trước khi mãn kinh, được gọi là tiền mãn kinh và có thể tiếp tục khi phụ nữ mãn kinh.

TIN LIÊN QUAN

Loại gia vị rất sẵn ở Việt Nam: Không chỉ chống virus mà còn là "thần dược" trong mùa lạnh

Căn bệnh Hồ Văn Cường mắc khiến ‘sức khoẻ tệ’: Đừng tưởng chỉ xảy ra ở trẻ nhỏ

Các cơn bốc hỏa ở thời kỳ mãn kinh thường kéo dài trong vài phút, có thể xảy ra nhiều lần mỗi ngày, kể cả vào ban đêm, từ đó gây đổ mồ hôi. Hiện tượng này có thể xảy ra trong vài năm nhưng cũng có nhiều phụ nữ phải chịu nó trong hơn 2 thập kỷ.

Do đó, không quá ngạc nhiên khi có tới 64% phụ nữ cho biết họ gặp tình trạng mất ngủ trong suốt thời kỳ tiền mãn kinh và mãn kinh. Đổ mồ hôi đêm gây ra tình trạng khó ngủ khiến chất lượng giấc ngủ giảm sút rất nhiều, đặc biệt khi tình trạng diễn ra ở mức độ nặng.

2. Nhiễm trùng

Rất nhiều bệnh nhiễm trùng có liên quan tới đổ mồ hôi vào ban đêm. Nguyên nhân là do nhiễm trùng khiến nhiệt độ cơ thể tăng cao và có thể gây sốt. Bệnh lao, nhiễm trùng do vi khuẩn và nấm (như viêm nội tâm mạc, viêm tuỷ xương), nhiễm HIV là một vài nhiễm trùng điển hình có thể gây đổ mồ hôi vào ban đêm.

3. Ung thư

Đổ mồ hôi có thể là triệu chứng sớm của một số bệnh ung thư, phổ biến nhất là ung thư hạch. Những bệnh nhân mắc các bệnh ung thư chưa được chẩn đoán còn có thể đi kèm theo các triệu chứng khác như sốt, sụt cân không rõ nguyên nhân.

4. Dùng thuốc

Đổ mồ hôi đêm có thể là phản ứng phụ của nhiều loại thuốc khác nhau, trong đó thuốc chống trầm cảm là loại thuốc phổ biến nhất. Từ 8 – 22% người bệnh dùng thuốc chống trầm cảm gặp tình trạng đổ mồ hôi vào ban đêm. Các loại thuốc điều trị các bệnh tâm thần hoặc các loại thuốc dùng để hạ sốt như aspirin, acetaminophen đôi khi cũng có thể dẫn tới đổ mồ hôi vào ban đêm. Một số loại thuốc sử dụng trong các liệu pháp hormone để điều trị một số bệnh ung thư cũng có thể gây ra tình trạng này.

5. Hạ đường huyết

Khi lượng đường trong máu quá thấp có thể gây ra đổ mồ hôi. Những người đang sử dụng insulin hoặc uống thuốc tiểu đường có thể bị hạ đường huyết vào ban đêm và biểu hiện bằng triệu chứng đồ mồ hôi.

6. Rối loạn nội tiết tố

Đổ mồ hôi hoặc cảm giác bốc hoả có thể là dấu hiệu của một số tình trạng rối loạn hormone như u tuyến thượng thận, hội chứng carcinoid (một hội chứng rối loạn xuất hiện khi các khối u ung thư hiếm gặp có tên gọi là carcinoid tiết ra serotonin hoặc các hóa chất khác vào máu) và cường giáp.

7. Các vấn đề về thần kinh

Một số vấn đề thần kinh như rối loạn phản xạ tự động, rối loạn cơ bắp sau chấn thương, đột quỵ và bệnh thần kinh tự chủ có thể gây ra tăng tiết mồ hôi và dẫn tới đổ mồ hôi vào ban đêm

8. Chứng đổ mồ hôi vô căn

Đổ mồ hôi vô căn là chứng bệnh mạn tính, thể hiện ở tình trạng cơ thể tiết quá nhiều mồ hôi mà không xác định được nguyên nhân hay vấn đề sức khoẻ nào tác động vào.

Khi nào nên tới gặp bác sĩ?

Việc gặp bác sĩ để được tư vấn là điều rất quan trọng. Các bác sĩ sẽ giúp bạn xác định được nguyên nhân sâu xa của đồ mồ hôi vào ban đêm. Dựa vào đó, bác sĩ sẽ có một kế hoạch điều trị triệu chứng này cũng như tình hình sức khoẻ chung của bạn.

Hiện tượng đổ mồ hôi đêm sẽ là bất thường khi:

- Thường xuyên xảy ra và kéo dài

- Xảy ra cùng với các vấn đề khác về sức khoẻ

- Ảnh hưởng tới chất lượng giấc ngủ

Theo nhiều nghiên cứu, chứng ngưng thở khi ngủ cũng có biểu hiện đổ mồ hôi vào ban đêm.

(Nguồn: Web MD, Medical News Today, Sleep Foundation)

Hiện tượng thường gặp vào ban đêm cảnh báo nhiều bệnh nguy hiểm, từ ung thư tới đột quỵ - Ảnh 3.

https://soha.vn/hien-tuong-thuong-gap-vao-ban-dem-canh-bao-nhieu-benh-nguy-hiem-tu-ung-thu-toi-dot-quy-2021122013330589.htm

Bạn đang đọc bài viết "Hiện tượng thường gặp vào ban đêm cảnh báo nhiều bệnh nguy hiểm, từ ung thư tới đột quỵ" tại chuyên mục THUỐC. Mọi thông tin xin liên hệ số hotline (0918.187.270) hoặc gửi email về địa chỉ (kinhtenet@gmail.com).