Nhà báo Vương Xuân Nguyên chia sẻ kỷ niệm với nhà cách mạng tiền bối Nguyễn Thọ Chân

Vĩnh biệt Nhà cách mạng tiền bối, Người chiến sĩ Cộng sản kiên trung, Nhà lãnh đạo xuất sắc của nhiều Bộ, Ban ngành, địa phương; Vị Đại sứ Việt Nam tại Liên Xô và là vị Chủ tịch đầu tiên của Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam, Người mà tôi có vinh dự được tiếp xúc và gần gũi vào cuối những năm 90 của Thế kỷ trước. Ông là Nguyễn Thọ Chân (bí danh Sáu Khanh), sinh ngày 20/8/1922, quê quán xã Đông Mỹ (Thanh Trì - Hà Nội) vừa tạ thế về với cõi Bác Hồ, hưởng thọ 101 tuổi.

Cho đến tận bây giờ những ấn tượng về lần đầu vinh dự được gặp gỡ Nhà cách mạng tiền bối Nguyễn Thọ Chân vẫn sâu đậm trong tôi. Đó là vào năm 1999, khi đang đi gia sư tại nhà cô họ, tôi đã gặp ông cùng những người đồng chí của mình đang công tác tại Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam. Ẩn sâu trong tấm thân gầy mảnh mai, ăn mặc giản dị là những nụ cười hồn hậu, ánh mắt tinh anh, đặc biệt là giọng nói của ông âm trầm nhẹ nhàng, cùng với những cử chỉ thân thiện đầy ấn tượng trong tôi ngay từ lần đầu gặp gỡ. 

Ngay sau buổi gặp, ông đã mời tôi đến nhà của con trai ông trong một ngõ nhỏ tại phố Ngọc Hà (Hà Nội). Cuộc viếng thăm chóng vánh, khi ra về ông đã ôm hôn và đưa cho tôi một miếng giấy nhỏ có ghi số điện thoại của ông và cụ Mười (tức Nguyên TBT Đỗ Mười) và căn dặn: “Nếu cháu gặp những chuyện bất công mà ngoài sức giải quyết thì đừng ngại gọi cho chú hoặc ông Mười. Nếu việc đó dù nhỏ, dù lớn nhưng phải là việc ích nước, còn việc lợi nhà thì thôi”.

bac-chan1-1673329275.jpg

Đồng chí Nguyễn Thọ Chân (1922 - 2023)

Sau khi ra trường tôi về làm việc tại Cơ quan Trung ương Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam nên thường xuyên được trao đổi với ông về phát triển công tác Hội và phong trào Sinh Vật Cảnh Việt Nam. Khi đó, ông là Phó Chủ tịch Trung ương Hội kiêm Chủ tịch Hội Sinh Vật Cảnh thành phố Hồ Chí Minh. Mỗi dịp ông ra Hà Nội, là cánh giúp việc như chúng tôi lại có dịp gần gũi nghe ông chia sẻ những câu chuyện thú vị về cuộc đời hoạt động cách mạng của mình.

Trong lịch sử hơn 30 năm xây dựng và phát triển của Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam, ông Nguyễn Thọ Chân đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng trong vai trò Trưởng Ban vận động thành lập Hội, Chủ tịch Trung ương Hội đầu tiên, rồi Phó Chủ tịch Trung ương Hội phụ trách phía Nam kiêm Chủ tịch Hội Sinh Vật Cảnh thành phố Hồ Chí Minh 25 năm liên tục.

Mùa Xuân năm 1989, vừa nghỉ hưu, ông cùng hơn 20 vị lão thành cách mạng, nhân sĩ, trí thức, nhà văn hoá cùng thời đề nghị với Trung ương về việc cần thiết phải thành lập một tổ chức xã hội nghề nghiệp để tiếp nối và phát triển cuộc cách mạng cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ môi trường sống trong lành do Bác Hồ phát động những năm 60 của Thế kỷ trước thông qua phong trào Tết Trồng cây.

Đến ngày 13/5/1989, trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ đã cho phép thành lập Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam, đồng thời cử ông làm Chủ tịch Hội khoá I. Để tạo điều kiện giúp Hội hoạt động và hỗ trợ ông làm việc giai đoạn đầu, Trung ương đã phân công đồng chí Phạm Văn Kiết, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Thường trực Ủy Ban Trung ương MTTQ Việt Nam làm Phó chủ tịch Hội và đồng chí Lê Thành, nguyên Trưởng Ban Chỉ đạo Nông nghiệp Trung ương làm Phó chủ tịch Thường trực Hội cùng một số vị cán bộ cấp cao khác giúp việc cho Hội. Và nơi làm việc của Hội đặt trong Trung ương MTTQ Việt Nam (46 Tràng Thi, Hà Nội).

Đến cuối năm 1991, ông chuyển vào TP. Hồ Chí Minh sinh sống cùng gia đình, ông đã mời đồng chí Nguyễn Văn Trân, nguyên Bí thư Trung ương Đảng đảm nhận chức vụ Chủ tịch Hội thay ông. Cũng từ đây, tổ chức Hội và phong trào Sinh Vật Cảnh phía Nam dưới sự lãnh đạo trực tiếp của ông đã nhanh chóng trở thành một phong trào quần chúng rộng khắp. Ông làm Phó Chủ tịch Trung ương Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam, kiêm Chủ tịch Hội Sinh Vật Cảnh thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2005.

Trong nhiều hội nghị và làm việc với các địa phương về xây dựng tổ chức Hội và phát triển phong trào Sinh Vật Cảnh, ông Nguyễn Thọ Chân luôn nhấn mạnh tầm quan trọng và ý nghĩa dân sinh to lớn của lĩnh vực Sinh Vật Cảnh. Theo ông, nước ta là một nước nông nghiệp, nên ngoài việc chăm lo sản xuất lương thực thực phẩm đảm bảo đời sống, cần phải chăm lo bảo vệ môi trường sống trong lành và kiến tạo những giá trị "sinh cảnh" để nhân dân được hưởng thụ đời sống tinh thần ngày càng phong phú từ những thú chơi nhân văn của ông cha như: cây, hoa, đá, cá, chim. Ông đề cao việc phát triển kinh tế phải bền vững và hài hòa với các mục tiêu bảo vệ môi trường, phải dựa trên nền tảng văn hóa truyền thống của dân tộc và phù hợp với trình độ dân trí của nhân dân ta ở từng giai đoạn cụ thể. Ở đó, Sinh Vật Cảnh vừa là một ngành kinh tế sinh thái giàu tiềm năng, vừa là "chiếc van" để bảo vệ môi trường, ứng phó với những thách thức do tác động của yếu tố "thiên tai và nhân tai".  

"Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam phải không ngừng đổi mới nội dung, phương thức làm việc để ngày càng xứng đáng với sứ mệnh bảo tồn, tôn tạo và phát triển văn hóa nghệ thuật, khoa học kỹ thuật, sản xuất kinh doanh và làm dịch vụ về sinh vật cảnh, góp phần xây dựng văn hóa, cảnh quan, sinh thái, môi trường nhằm tập hợp rộng rãi công dân và tổ chức Việt Nam tham gia các hoạt động nhằm giữ gìn, phát triển, nâng cao truyền thống văn hóa tốt đẹp của nhân dân trong lĩnh vực sinh vật cảnh, kết hợp với việc tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nước ngoài, góp phần tích cực vào việc: Bảo vệ và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái; phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc nhằm xây dựng Tổ quốc Việt Nam giàu mạnh, văn minh...", ông Nguyễn Thọ Chân căn dặn cộng sự và những người giúp việc.

Là một nhà ngoại giao, có cơ hội được tiếp xúc với nhiều nền văn hóa và trình độ phát triển của nhiều nước khác nhau, ông thấy rõ tầm quan trọng của việc phát triển bền vững, mục tiêu bảo vệ môi trường, gìn giữ và phát huy văn hóa dân tộc trong các hoạt động quốc kế dân sinh. Hàng năm, tại các hội nghị quan trọng của Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam, ông thường trực tiếp mời các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước đến dự để Hội có cơ hội được báo cáo về kết quả hoạt động, cũng như tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo để thúc đẩy phong trào Sinh Vật Cảnh trong cả nước.

Từ những trăn trở và hoạt động thiết thực của ông và cộng sự mà nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước qua các thời kỳ đã thường xuyên quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện để ngành Sinh Vật Cảnh ngày càng có vị thế và bước phát triển tương xứng với tiềm năng. Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười trên các cương vị công tác, ngay cả khi đã nghỉ hưu cho đến những năm tháng cuối đời luôn quan tâm đến công tác phát triển Sinh Vật Cảnh thành một ngành kinh tế, văn hóa, xã hội dân sinh quan trọng của đời sống. Trên cương vị Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng, ngày 28/10/1995, cụ đã chỉ đạo các ngành các cấp quan tâm đến công tác phát triển Sinh Vật Cảnh: "Đây là một lĩnh vực hoạt động có tác dụng tốt đối với đời sống văn hóa - tinh thần của nhân dân. Mong hội tích cực hoạt động mở rộng phong trào sinh vật cảnh ở khắp địa phương trong cả nước, góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, làm ra nhiều sản phẩm Sinh Vật Cảnh có hiệu quả và có giá trị nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của dân tộc".

Tiếp nối sự quan tâm và thường xuyên chỉ đạo của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đối với công tác Sinh Vật Cảnh, với sự tham vấn của ông Nguyễn Thọ Chân và những người đồng chí của ông tại Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam, các vị: Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Phạm Thế Duyệt, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai...đã thay mặt Đảng và Nhà nước chỉ đạo về định hướng phát triển Sinh Vật Cảnh qua các thời kỳ.

01-11-2022dcthochan-2-1673334738.jpg

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên thăm hỏi đồng chí Nguyễn Thọ Chân, nhân dịp ông nhận Huy hiệu 85 năm tuổi Đảng

Trong sự nghiệp hoạt động cách mạng của mình, ông Nguyễn Thọ Chân đã được Đảng, Nhà nước tin tưởng giao nhiều trọng trách như: Bí thư Tỉnh ủy Hà Đông, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Bí thư Khu ủy Hồng Quảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, Thường vụ Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn, Ủy viên Trung ương Đảng khóa III, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền tại Liên Xô, tại Vương quốc Thụy Điển, Chủ nhiệm Ủy ban Thống nhất Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Lao động, Trưởng ban Thi đua Trung ương...Trên cương vị nào ông cũng đều hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao và trở thành tấm gương sáng về tinh thần tận tụy cống hiến, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phụng sự Nhân dân. 

Ghi nhận những công lao và đóng góp to lớn đó, Đảng, Quốc hội, Nhà nước và Chính phủ đã tặng thưởng ông Nguyễn Thọ Chân nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huy hiệu 85 năm tuổi Đảng.

 

 

Vương Xuân Nguyên

Link nội dung: https://suckhoevasacdep.com.vn/nha-bao-vuong-xuan-nguyen-chia-se-ky-niem-voi-nha-cach-mang-tien-boi-nguyen-tho-chan-599.html