Căn bệnh gây tử vong hàng đầu, dấu hiệu dễ nhầm với bệnh vặt: Đi tiểu nhiều cũng cần lưu ý

Theo các thống kê, có tới 50% bệnh nhân suy tim tử vong trong vòng 5 năm mắc bệnh. Tuy nhiên, suy tim lại có các biểu hiễn dễ bị nhầm lẫn so với các căn bệnh thông thường khác.

Có hai triệu chứng đau tim chính mà ai cũng biết, đó là đau dữ dội và đột ngột ở ngực, cơn đau lan xuống cánh tay. Tuy nhiên có nhiều dấu hiệu đã xuất hiện trước khi xảy ra tình trạng này nhưng không được chú ý tới đó là các biểu hiện của suy tim.

Tiến sĩ Robert Greenfield, giám đốc y khoa tim mạch không xâm lấn và phục hồi chức năng tim của Viện Tim Mạch MemorialCare, Trung tâm Y tế Orange Coast (Fountain Valley, California, Hoa Kỳ) cho biết: "Không giống một cơn đau tim, suy tim có diễn biến âm thầm và đó là lý do tại sao mọi người thường nhầm lẫn các triệu chứng của nó so với các căn bệnh khác như khó tiêu hoặc tăng cân. Nếu bạn bỏ qua các dấu hiệu này chắc chắn tim bạn sẽ gặp những tổn thương nặng nề hơn sau này".

Suy tim, hay còn được gọi là suy tim sung huyết là tình trạng xảy ra khi có các vấn đề liên quan tới việc bơm máu của tim. Trong một số trường hợp, lực bơm của tim không đủ để đưa máu tới hệ thống tuần hoàn và trong nhiều trường hợp khác, lượng máu vào tim không đủ để được bơm đi.

Suy tim hiện chưa có phương pháp điều trị triệt để, nhưng nếu có thể phát hiện sớm, việc điều trị sẽ dễ dàng hơn và tránh được biến chứng nguy hiểm tới tính mạng.

Dưới đây là 10 dấu hiệu cảnh báo bạn có thể đang bị suy tim.

1. Khó thở

Căn bệnh gây tử vong hàng đầu, dấu hiệu dễ nhầm với bệnh vặt: Đi tiểu nhiều cũng cần lưu ý - Ảnh 2.

Khó thở là dấu hiệu sớm của suy tim

Tim và phổi có mối quan hệ mật thiết với nhau về chức năng hoạt động để đảm bảo đưa đủ máu và oxy nuôi sống cơ thể. Phần bên phải của tim tiếp nhận máu đã cạn oxy, bơm lên phổi và được phổi tái tạo oxy. Tiến sĩ Greenfield cho biết suy tim sẽ ảnh hưởng tới sự vận hành này, từ đó gây ra cảm giác khó thở. Bạn sẽ có cảm giác như luôn bị thiếu không khí dù có hít thở thật sâu.

2. Vận động khó khăn hơn

Cảm giác khó thở có thể xảy ra khi nghỉ ngơi nhưng sẽ biểu hiện rầm rộ hơn khi bạn gắng sức. Thậm chí, việc đi hết một căn phòng cũng khiến bạn phải gắng sức rất nhiều. Trên thực tế, vận động làm tăng nhịp tim khiến tim phải bơm máu nhanh hơn từ đó khiến bạn có thể có triệu chứng như thở hổn hển.

3. Khó chịu khi nằm xuống

Khi bạn nằm xuống, một phần máu ở chân sẽ quay trở lại hệ thống mạch máu của cơ thể khiến lượng máu về tim tăng lên. Thông thường, tim có thể điều tiết được thông qua cơ chế bơm máu của mình. Nhưng khi chức năng bơm máu bị suy giảm, tim không thể đẩy được máu và khiến bạn cảm thấy khó thở hơn.

4. Chân và bàn chân sưng lên

TIN LIÊN QUAN

COVID-19 suy giảm kỳ lạ tại Nhật Bản: Biến thể Delta đang ‘dang tay bảo vệ’?

11 dấu hiệu ở lưỡi cảnh báo hàng loạt bệnh, từ COVID-19 đến ung thư

Khi tim hoạt động không như bình thường, lượng máu được bơm tới thận sẽ ít hơn khiến thận giữ lại nước và thường biểu hiện ở sưng, phù nề các chi, đặc biệt là chi dưới. Bạn có thể tự kiểm tra bằng cách ấn ngón tay vào chỗ sưng và vết lõm ngón tay lưu lại một vài giây mới biến mất.

5. Tăng cân đột ngột

Nước tích tụ ở chân có thể "trào ngược" lên bụng và cánh tay khiến bạn bị tăng cân. Nhiều người thường nhầm lẫn với tăng cân do tích tụ chất béo nhưng thật ra là hiện tượng giữ nước. Tăng cân có thể diễn ra đột ngột, bạn có thể bị tăng tới 5kg chỉ trong vòng vài ngày, đặc biệt là ở vùng bụng.

6. Đi tiểu nhiều hơn

Khi nước trong cơ thể quá nhiều sẽ khiến bạn luôn muốn đi tiểu và tiểu nhiều lần, thậm chí là vào nửa đêm. Nhiều người nghĩ rằng đây là dấu hiệu của sự lão hoá hoặc do uống quá nhiều nước gần giờ đi ngủ nên đã cố gắng khắc phục vấn đề bằng cách cắt giảm lượng nước nạp vào trong ngày. Điều này có thể làm cho tình trạng giữ nước trở nên tồi tệ hơn vì cơ thể tiếp tục giữ nước để ngăn mất nước. Giữ nước còn gây nguy hiểm hơn cho tình trạng suy tim vì sẽ khiến nhịp tim tăng và khiến bạn cảm thấy căng thẳng hơn.

7. Luôn cảm thấy mệt mỏi

Khi tim không thể bơm máu tới tất cả các cơ quan trong cơ thể nó sẽ chuyển hướng bơm máu tới các cơ quan quan trọng, đặc biệt là não và chuyển ít máu tới các cơ quan ít quan trọng hơn như tay, chân. Đó chính là lý do vì sao bạn luôn cảm thấy mệt mỏi và suy nhược.

8. Buồn nôn hoặc chán ăn không rõ nguyên nhân

Căn bệnh gây tử vong hàng đầu, dấu hiệu dễ nhầm với bệnh vặt: Đi tiểu nhiều cũng cần lưu ý - Ảnh 4.

Hệ tiêu hoá nhận được ít máu có thể gây cảm giác buồn nôn

Hệ tiêu hoá là một cơ quan khác mà trái tim đang cho rằng không quan trọng trong cơ thể khi nó không thể thực hiện tốt quá trình bơm máu của mình. Khi dạ dày và hệ tiêu hoá nhận được ít máu sẽ bị suy giảm các chức năng, từ đó gây ra khó tiêu, chán ăn, buồn nôn hoặc táo bón.

9. Luôn có cảm giác chóng mặt, hồi hộp

Theo Tiến sĩ Greenfield, mặc dù tim ưu tiên máu tới não nhưng nếu máu tới não chưa đủ sẽ gây ra các triệu chứng như chóng mặt, hay quên, khó tập trung, hồi hộp và đôi khi là ngất xỉu.

10. Tay chân luôn lạnh

Tay chân lạnh có thể là dấu hiệu không ổn ở hệ tuần hoàn do suy tim. Tuy nhiên, nếu chỉ có dấu hiệu này thôi chưa đủ báo hiện bệnh mà phải đi kèm cùng một số các dấu hiệu phía trên.

Khi có các biểu hiện của suy tim, điều quan trọng là phải đi khám bác sĩ ngay lập tức. Mặc dù bạn có thể làm dịu các dấu hiệu bằng cách như gối cao đầu, uống nhiều nước hay bỏ thuốc lá nhưng những việc làm này không thể giải quyết hoàn toàn bệnh suy tim.

Theo tiến sĩ Greenfield: "Bạn nên tới các trung tâm y tế để kiểm tra tim ngay khi các triệu chứng đang ở thể nhẹ. Lúc đó bạn sẽ càng có nhiều cơ hội cải thiện chức năng tim và tránh biến chứng nhồi máu cơ tim".

(Nguồn: Prevention)

Link nội dung: https://suckhoevasacdep.com.vn/can-benh-gay-tu-vong-hang-dau-dau-hieu-de-nham-voi-benh-vat-di-tieu-nhieu-cung-can-luu-y-192.html