Điều trị Covid-19 cho trẻ cần tránh sai lầm này kẻo hại nhiều hơn lợi

Theo bác sĩ Nguyễn Đình Tỉnh, phụ huynh chỉ cho trẻ sử dụng thuốc corticoid khi có chỉ định của bác sĩ để tránh các tác dụng phụ không mong muốn.

Trước tình trạng số ca nhiễm Covid-19 tại Hà Nội vẫn ở mức cao, nhiều phụ huynh đang tích trữ thuốc và sử dụng tùy tiện cho con trong khi đây là đối tượng dễ bị tổn thương đến sức khỏe nếu sử dụng thuốc không đúng cách.

BS.CKI Nguyễn Huy Hoàng - Trung tâm oxy cao áp Việt - Nga, Bộ Quốc phòng, cho biết trong quá trình tư vấn cho F0 điều trị tại nhà nhận thấy nhiều gia đình tự mua thuốc và sử dụng các loại thuốc kháng viêm methylprednisolone và corticoid cho trẻ em.

Nhiều F0 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ cũng sử dụng thuốc, đặc biệt trẻ em dưới 12 tuổi cũng sử dụng. Việc sử dụng thuốc tùy tiện rất nguy hiểm, có thể xảy ra những biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe.

"Dùng kháng viêm tác dụng phụ sớm quá (khi chưa khó thở, SpO2 chưa giảm, thậm chí chưa sốt) sẽ rủi ro nhiều hơn lợi ích", bác sĩ Hoàng nhận định.

Theo khuyến cáo của khoa Dược, Bệnh viện Nhân dân 115, corticoid làm giảm chức năng miễn dịch, nên người nhiễm virus sẽ càng có nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2 nặng hơn. Nhiễm trùng cơ hội, nhiễm nấm bởi corticoids làm giảm khả năng bảo vệ cơ thể nên các loại vi khuẩn, nấm... có cơ hội bùng phát.

Corticoids có thể làm đường huyết tăng đột ngột trên bệnh nhân tiểu đường, làm tăng huyết áp đột ngột trên bệnh nhân tăng huyết áp. Corticoids gây viêm loét, thậm chí gây xuất huyết dạ dày, tá tràng.

Đối với trẻ em có thể bị còi cọc, corticoid cũng có thể làm cho tình trạng bệnh sởi hoặc thủy đậu nhiễm trùng nghiêm trọng hơn so với những trẻ không dùng corticoid.

Cùng trao đổi về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Đình Tỉnh, giảng viên bộ môn Nhi, khoa Y học lâm sàng, Đại học Y tế Công cộng, cũng cho biết, việc mua tích trữ hay tự sử dụng thuốc khi trẻ mắc Covid-19 hiện khá phổ biến.

Không ít cha mẹ lên mạng tìm đơn thuốc, sau đó áp dụng vào con mình. Một số phụ huynh tự ý cho trẻ sử dụng thuốc kháng sinh, các loại thuốc kháng viêm có chứa corticoid ngay sau khi phát hiện con mình mắc Covid-19.

Bác sĩ Tỉnh thông tin, corticoid (Glucocorticoid) là một loại thuốc chống viêm được chỉ định bởi bác sĩ chuyên khoa trong một số bệnh lý. Trên thị trường có một số loại corticoid thường được sử dụng như: Hydrocortisone, prednisolone, prednisone, methylprednisolone, betamethasone, dexamethasone...

Corticoid được chỉ định trong nhiều bệnh lý khác nhau như dị ứng, sốc phản vệ, các bệnh tự miễn (viêm khớp dạng thấp, lupus...), hen phế quản, dự phòng thải ghép, một số bệnh lý thận, ung thư...

Đối với bệnh nhi mắc Covid-19, theo hướng dẫn điều trị của Bộ Y tế, corticoid đường uống được sử dụng trong trường hợp người bệnh ở mức độ trung bình: Có triệu chứng viêm phổi, nhịp thở khi nghỉ nhanh (trẻ < 2 tháng: ≥ 60 lần/phút, 2-11 tháng: ≥ 50 lần/phút, 1-5 tuổi : ≥40 lần/phút); SpO2: 94-95% khi thở khí trời.

"Việc lạm dụng corticoid trong điều trị các bệnh lý nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính ở trẻ em (sốt, ho, sổ mũi) đã có từ trước đây, phần lớn ở trường hợp tự mua tại quầy thuốc, không được thăm khám bởi bác sĩ chuyên khoa", bác sĩ Tỉnh nói

Bác sĩ Tỉnh phân tích, cortioid có rất nhiều tác dụng phụ, đặc biệt khi sử dụng liều cao, kéo dài:

- Ảnh hướng tới hệ tiêu hóa: Corticoid khi sử dụng liều cao, kéo dài, phối hợp cùng các thuốc giảm đau kháng viêm nonsteroid (NSAIDs), ví dụ: paracetamol, Ibuprofen có thể gây viêm niêm mạc dạ dày, loét dạ dày - tá tràng, niêm mạc dạ dày và thậm chí xuất huyết tiêu hóa.

- Ảnh hưởng tới hệ nội tiết: Gây hội chứng Cushing, suy tuyến thượng thận.

- Ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ do ức chế sự phát triển của xương và sụn. Cụ thể, chúng gây mất cân bằng tạo xương - hủy xương, giảm khả năng hấp thu canxi ở ruột non gây loãng xương.

Vì vậy, để tránh tình trạng sử dụng sai chỉ định và phòng tránh các tác dụng khi sử dụng, bác sĩ Tỉnh khuyến cáo phụ huynh chỉ sử dụng các thuốc corticoid khi có chỉ định của bác sĩ. Sử dụng đúng liều lượng của thuốc và thời gian sử dụng. Cha mẹ không tự ý tăng liều hay kéo dài thời gian sử dụng thuốc.

Bên cạnh đó, thuốc thường được uống vào buổi sáng, sau ăn no. Phụ huynh không để con bụng đói khi uống thuốc, tránh ảnh hưởng tới dạ dày. Cha mẹ cần thông báo tới các bác sĩ khi thấy có vấn đề sức khỏe trong điều trị để phát hiện sớm tác dụng phụ của thuốc, tránh được biến chứng nguy hiểm.

Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng tư vấn thêm, với trẻ em khi bị nhiễm Covid-19, các gia đình cần theo dõi trẻ thường xuyên. Khi trẻ chưa có biểu hiện gì chỉ cần theo dõi sức khỏe, ăn uống bổ sung và súc họng bằng nước súc họng mà Bộ Y tế đã khuyến cáo.

Trong trường hợp trẻ có biểu hiện ho, sốt… hoặc khi có biểu hiện gì thì chỉ cần điều trị biểu hiện đó. Ví dụ, trẻ ho thì cho dùng thuốc điều trị ho, sốt cao 38,5 độ thì dùng thuốc hạ sốt. Chủ yếu không để trẻ bị mất nước, duy trì chế độ ăn uống, tập luyện thể dục thể thao theo tùy thể trạng.

"Với trẻ béo phì mắc Covid-19 có nguy cơ chuyển nặng cao hơn, gia đình cần theo dõi và chuyển đến cơ sở y tế để theo dõi điều trị. Tuyệt đối không được tự ý sử dụng thuốc, phải điều trị theo sự hướng dẫn của bác sĩ.”, bác sĩ Hoàng nhấn mạnh.

Minh Hoa (t/h theo Zing, Tuổi Trẻ Online)

 

Link nội dung: https://suckhoevasacdep.com.vn/dieu-tri-covid-19-cho-tre-can-tranh-sai-lam-nay-keo-hai-nhieu-hon-loi-169.html