Năm 2015, Thượng tá, NSƯT Hương Giang, Giảng viên Thanh nhạc Trường Đại học Văn hoá Nghệ thuật Quân đội đã cùng đồng đội ra Trường Sa làm nhiệm vụ. Chuyến đi đã giúp chị thấu cảm được rõ hơn những khó khăn vất vả, sự hy sinh lặng thầm của những người đồng đội của chị đang ngày đêm canh giữ biển trời Tổ Quốc. Và điều này đã được chị khéo léo sử dụng kỹ thuật hát Legato để tạo sự lôi cuốn hấp dẫn cho tác phẩm trong MV nghệ thuật “Gần lắm Trường Sa - Bản tình ca của người lính đảo” vừa được chị giới thiệu với công chúng.
Hình ảnh người chiến sĩ cùng những ngư dân kiên cường bảo vệ chủ quyền trên các vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc từ lâu nay đã tạo nguồn cảm hứng cho giới văn nghệ sĩ cả nước sáng tác nên hàng trăm tác phẩm nghệ thuật còn mãi với thời gian.
VTC giới thiệu MV nghệ thuật "Gần lắm Trường Sa- Bản tình ca của người lính đảo"
Ca khúc “Gần lắm Trường Sa” của nhạc sĩ Hình Phước Long sáng tác năm 1982, đến nay đã hơn 40 năm kể từ khi ra đời, bài hát vẫn khiến hàng triệu người nghe xúc động bởi những ca từ đẹp đẽ về biển đảo quê hương.
Nhạc sĩ Hình Phước Long - một người con quê hương Khánh Hòa đã sáng tác bài hát “Gần lắm Trường Sa “với hình ảnh về những chiến sĩ Trường Sa nơi đảo quê hương, anh vẫn đêm ngày giữ biển khơi" với "đôi mắt biên cương vẫn sáng long lanh giữa sóng cuồng bão giật. Bài hát được nhiều ca sĩ tên tuổi thể hiện đã đi cùng năm tháng.
Thượng tá, NSƯT Hương Giang, Giảng viên Thanh nhạc Trường Đại học Văn hoá Nghệ thuật Quân đội, người sở hữu chất giọng nữ cao trữ tình và cách hát tinh tế nhẹ nhàng đã thành công khi cùng nhiều nghệ sĩ tên tuổi khác góp phần đưa ca khúc “Gần lắm Trường Sa” đến gần hơn nữa với công chúng yêu nghệ thuật.
Với “Gần lắm Trường Sa” một lần nữa hình ảnh người chiến sĩ ngày đêm canh giữ biển trời Tổ Quốc lại hiện lên thật đẹp đẽ. Đúng như chính tên gọi của ca khúc, Trường Sa vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ Quốc nằm ngay trong mỗi trái tim của người dân đất Việt.
Quyết Tuấn
Link nội dung: https://suckhoevasacdep.com.vn/nsut-huong-giang-ra-mat-mv-gan-lam-truong-sa-ban-tinh-ca-cua-nguoi-linh-dao-1004.html